Bạn cứ hình dung ống dẫn sữa như những ống cao su thiên nhiên. Tạo hóa khi sinh ra tuyến sữa muốn cho gọn nên đã cho chúng có cấu trúc ngoằn ngoèo để tăng dung tích chứa. Nếu chẳng may có một chỗ bị gập lại giống như bạn lấy tay gập ống cao su thì đương nhiên nước ngừng chảy. Nói vậy sẽ có bạn thắc mắc "chả lẽ tất cả cùng tắc?". Không phải thế, lúc mới tắc bạn nặn sữa vẫn còn, em bé bú được chút chút. Sau ống dẫn bị tắc căng phồng lên, chèn ép toàn bộ đường đi các ống dẫn khác, thế là hai cái bầu tắc tị, ứ sữa.
Ngoài ra còn có một số nguyên nhân sau đây gây tắc tia sữa sau khi sinh:
- Không day đều bầu sữa để thông tia sữa ngay sau khi sinh.
- Không vắt bỏ sữa thừa khi trẻ bú không hết. Sữa đọng lại lâu ngày gây ôi, tắc và ung nhũ.
- Cảm nhiễm hàn tà, làm cho sữa khó lưu thông.
- Tinh thần không thư thái làm can khí uất, ảnh hưởng đến chức năng vận hóa của tỳ, sữa ứ đọng hóa hỏa sinh nhũ ung.
- Ăn uống thất thường gây tổn thương tỳ vị, vị nhiệt ủng trệ, nhiệt tích tại nhũ lạc, gây sưng đau vú.
- Cơ thể sau sinh chính khí suy.
- Sau khi cho trẻ bú không vệ sinh lau rửa đầu vú sạch.
Dấu hiệu bị tắc tia sữa
Khi phát hiện ra bầu vú có dấu hiệu căng to hơn so với bình thường và càng lúc càng tăng dần thì phải chú ý quan sát xem bề mặt vú có đỏ và sờ có đau không? (cần so sánh 2 bên với nhau thì mới thấy sự khác biệt, tuy nhiên cũng có khi cả 2 bên cùng bị nhưng trường hợp này ít gặp hơn và nếu có thường không đối xứng). Có cảm giác sốt hay không?
Nếu có, thì đó có thể là những triệu chứng đầu tiên của hiện tượng tắc tia sữa. Khi đó, mẹ của bé phải nhanh chóng tìm cách làm tan sữa đã vón kết và hạn chế việc tạo lập thêm những vị trí tắc mới, khơi thông dòng chảy tự nhiên của sữa. Vấn đề đặt ra là làm cách nào để tan sữa vón kết mà không làm tổn thương những nang và ống dẫn sữa bình thường khác.
Không điều trị kịp thời dễ dẫn đến viêm tuyến sữa
Viêm tuyến sữa sau sinh là bệnh thường gặp, nhất là các sản phụ sinh con lần đầu khi bị tắc sữa. Vi khuẩn gây bệnh đa số là khuẩn cầu nho màu vàng kim và khuẩn liên cầu tính dung huyết, thông qua vết nứt trên núm vú hoặc đường tuần hoàn máu bị nhiễm.
Đặc biệt ở những sản phụ núm ti thụt vào hoặc bằng phẳng quá, to quá, biến dạng, khiến bé bú khó khăn nên bé sẽ cắn mút đầu ti, hình thành nên những vết thương nhỏ và loét, dần dần dưới kích thích bú sữa của bé, đầu ti của sản phụ sẽ nứt rộng hơn hoặc sữa không thông nhưng con vẫn cứ bú, nhai đi nhai lại, gây tổn thương. Khi đầu vú đã nứt thì càng bú càng đau, sản phụ sẽ cho con bú không đều, thậm chí không cho bú nữa, khi đó một lượng lớn sữa, các sản vật của sữa sau khi phân giải là nơi thích hợp nhất cho vi khuẩn bên ngoài xâm nhập được vào tuyến sữa qua vết nứt của đầu vú, sẽ sinh sôi nhanh chóng trong tuyến sữa, dẫn đến viêm tuyến sữa.
Cách đề phòng tắc tia sữa: tốt nhất là giữ thật sạch đầu vú, nhất là ở các kẽ của núm vú.